Việc cai trị Giao Châu Sĩ Nhiếp

Giữ yên Giao Châu

Năm 187 (Đinh Mão), Thứ sử Chu Phù bị quân khởi nghĩa giết, châu quận rối loạn. Sĩ Nhiếp có ba em trai tên là Nhất (壹), Vĩ (䵋) và Vũ (武), bèn dâng biểu cho Nhà Hán cử Nhất làm Thái thú Hợp Phố, Vũ làm Thái thú Nam Hải. Sử cũ đều ca tụng Sĩ Nhiếp là vị quan tốt, rất có uy tín trong dân chúng.

Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư:

"Vương (Sĩ Nhiếp) độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ Nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người".

Sĩ Nhiếp được đánh giá cao nhất bởi có công trong việc duy trì tình trạng hòa bình yên ổn ở Giao Châu trong suốt giai đoạn nội chiến Tam Quốc hết sức phức tạp tại Trung Quốc kéo dài hơn nửa thế kỷ. Chính tích đó giúp Sĩ Nhiếp gần như trở thành một vị vua tự trị của Giao Châu, thoát hẳn ra khỏi ảnh hưởng và mệnh lệnh của Nhà Hán, vốn chỉ còn là "bung xung" cho cuộc tranh giành của các tập đoàn phong kiến ở Trung Quốc. Điều đó thể hiện qua lá thư của Viên Huy, vốn là quan Nhà Hán bấy giờ đang ở Giao Châu, gửi cho Thượng thư lệnh Nhà Hán là Tuân Úc năm 207. Lá thư viết:

"Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn hai mươi năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được. Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư, truyện. Phàm những chỗ biên chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu Tả Thị truyện, (tôi) đem hỏi, đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy, ý tứ rõ ràng, chặt chẽ. Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ. Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà cũng không hơn được".

Quan hệ với Nhà Hán

Năm 201, Hán Hiến Đế sai Trương Tân làm Thứ sử Giao Châu. Tân thích việc quỷ thần, thường đội khăn đỏ, gảy đàn, đốt hương, đọc sách Đạo giáo, nói rằng có thể giúp việc giáo hóa, sau bị tướng là Khu Cảnh giết, châu mục Kinh ChâuLưu Biểu sai Huyện lệnh Linh Lăng là Lại Cung thay Tân. Hán đế nghe tin Tân chết, gửi cho Sĩ Nhiếp bức thư có đóng dấu ấn nói rằng:

"Giao Châu ở cõi xa, một dải sông biển ở phía nam, ơn trên không truyền đến, nghĩa dưới bị nghẽn tắc, thế mà nghịch tặc Lưu Biểu lại sai Lại Cung dòm ngó đất nam, nay cho khanh làm Tuy Nam trung lang tướng trông coi bảy quận, lĩnh Thái thú Giao Châu như cũ".

Sĩ Nhiếp bèn sai thuộc lại là Trương Mân mang đồ cống sang kinh đô Nhà Hán. Bấy giờ chiến tranh loạn lạc, đường sá đứt nghẽn, nhưng Sĩ Nhiếp vẫn không bỏ việc nộp cống. Có thể thấy đó là một phần trong chính sách hòa hiếu của Sĩ Nhiếp giúp cho Giao Châu yên ổn. Hán đế lại xuống chiếu cho Nhiếp làm An Viễn tướng quân (安遠將軍), phong tước Long Độ Đình hầu (龍度亭侯). Lại Cung tuy nhận lệnh của Lưu Biểu nhưng chưa sang được Giao Châu mà ở quận Thương Ngô, sau Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự bất hòa với Cung, đem binh đánh đuổi, Cung lại chạy về Linh Lăng.

Từ năm 206, do nhà Đông Hán chia năm xẻ bảy, vùng Giao Châu do Sĩ Nhiếp đứng đầu tồn tại như một quốc gia tự trị cho đến năm 210.

Quan hệ với Đông Ngô

Năm 210, quân phiệt Giang Đông là Tôn Quyền sai Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu. Khi Chất đến, Sĩ Nhiếp không chống cự mà đem anh em đến vâng theo mệnh lệnh. Tôn Quyền bèn cho Nhiếp làm Tả tướng quân. Sau Nhiếp còn sai con là Sĩ Ngẩm (hay Sĩ Hâm, 廞) làm con tin ở nước Ngô, Quyền cho Ngẩm giữ chức Thái thú Vũ Xương. Các con của Sĩ Nhiếp ở nam đều nhận chức Trung lang tướng. Sĩ Nhiếp lại chiêu dụ thổ hào ở Ích Châu là bọn Ung Khải đem dân chúng trong quận quy hàng Ngô, khiến vùng đất phía nam Nhà Hán (Thục Hán) lâm vào hỗn loạn, khiến thừa tướng Nhà Hán là Gia Cát Lượng phải tiến hành bình định. Công tích này được Tôn Quyền tán thưởng, thăng chức Vệ tướng quân, tước Long Biên hầu (龍編侯).

Sĩ Nhiếp thường sai sứ sang nước Ngô dâng các thứ hương liệu, vải mịn, kể số hàng nghìn. Các thứ quý lạ như ngọc trai, ốc lớn, lưu ly, lông trả, đồi mồi, sừng tê, ngà voi cùng các thứ quả lạ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không tiến, lại cống ngựa hàng mấy trăm con. Tôn Quyền viết thư ban cho rất hậu để yên ủi và đáp lại.

Sự mềm dẻo trong chính sách đối ngoại để giữ yên bờ cõi của Sĩ Nhiếp được đánh giá rất cao. Sử gia lớn thời TrầnLê Văn Hưu nhận xét:

"Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí."

Việc tiến cử nhân tài Giao Châu

Giai đoạn Sĩ Nhiếp cai trị Giao Chỉ còn đánh dấu sự xuất hiện của những người Việt đầu tiên làm việc cho triều đình phong kiến Trung Quốc. Do sự thỉnh cầu khẩn thiết của Thứ sử Lý Tiến năm 200, Hán Hiến Đế xuống chiếu lấy một người mậu tài của Giao Châu làm Huyện lệnh Hạ Dương, một người hiếu liêm làm Huyện lệnh Lục Hợp. Sau Lý Cầm làm quan đến Tư lệ hiệu úy, Trương Trọng, người quận Nhật Nam, làm Thái thú Kim Thành. Người Việt được cùng tuyển dụng như người Hán là mở đầu từ Lý Cầm, Trương Trọng.

Về vấn đề này, Ngô Sĩ Liên nhận xét:

"Người quân tử đối với lời nói không thể cho qua được. Ngày xưa Tông Miệt nếu không có lời nói thì cùng với cỏ cây mục nát mà thôi. Lý Cầm không có lời nói thì sao được dùng ở đời, mà người tài giỏi của nước Việt ta, người phương bắc làm sao biết được? Lời nói không thể cho qua là vì vậy. Tuy nhiên, đây chỉ nói riêng về nhân tài thôi, còn như Nhan Hồi, Mẫn Tử Khiên thì không nói thế được".